A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TẤM GƯƠNG NHÀ GIÁO HẾT LÒNG VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Cô Phạm Thị Dậu (nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Xa 2001-2011) là một tấm gương tiêu biểu về sự đóng góp và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Nghề giáo thật cao quý và đáng trân trọng… Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói riêng và huyện Hàm yên nói chung có biết bao những tấm gương nhà giáo tiêu biểu, họ nguyện cống hiến cả cuộc đời vì sự nghệp trồng người.

Trong đó có cô giáo Phạm Thị Dậu (Nguyên Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Xa) Cô giáo Phạm Thị Dậu sinh ra và lớn lên tại xã Bình Xa, Hàm Yên , Tuyên Quang. Cô ra trường năm 1976, khi đất nước ta vừa giành lại độc lập, thống nhất non sông. Hoàn cảnh đất nước ta lúc đó rất khó khăn, ta đã đánh đuổi được giặc ngoại xâm,  nhưng vẫn còn giặc đói, giặc dốt… lúc ấy cần lắm những người mang tri thức đánh đuổi giặc dốt, khi có kiến thức ta mới đuổi được giặc đói. Cô giáo Phạm Thị Dậu với tinh thần của tuổi trẻ, lòng yêu nghề, yêu trẻ… cô tình nguyện tham gia giảng dạy tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên. Xã Thành Long là một xã đặc biệt khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc Dao, Tày… dân cư thưa thớt, đường sá đi lại khó khăn. Nhiều người chưa biết chữ dù đã lớn tuổi, học sinh vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nhiều em chưa học hết lớp 3 đã nghỉ học. Cô giáo giáo Phạm Thị Dậu đã cùng với đồng nghiệp đến nhà vận động, phân tích khuyến khích các em đi học, vì chỉ có kiến thức mới giúp con người ta thoát nghèo. Vì nhà xa trường, đi lại khó khăn, cô quyết định ở lại thôn bản, ở nhờ nhà dân. Thấy các thầy cô nhiệt tình, hết lòng vì học sinh nên được người dân xã Thành Long tin yêu, số học sinh đi học ngày một tăng lên, học tập trung tu sửa trường lớp, lợp mái lớp học, làm nhà tạm cho cô giáo Phạm Thị Dậu. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Cô luôn yêu nghề, mến trẻ, với đồng lương chỉ tính bằng hai ba chục đồng, nhưng chưa bao giờ cô có ý định bỏ cuộc. Sau này vào năm 1985 cô được chuyển công tác về giảng dạy tại quê hương mình Xã Bình Xa yêu dấu. Cô luôn là Cô giáo đi đầu trong các phong trào thi đua, cô làm tốt công tác chuyên môn, giảng dạy nhiệt tình, giúp đỡ đồng nghiệp, học sinh. Cô tham gia nhiều cuộc thi giáo viên dạy giỏi và đạt thành tích cao. Cô được nhiều bằng khen, giấy khen của vác cấp khen tặng.

Sau nhiều năm cống hiến, với  tư tưởng chính trị vững vàng, chuyên môn tốt, đạo đức tốt năm 1995 cô được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường tiểu học Bình Xa vào năm 2001. Với cương vị hiệu trưởng, cô luôn chỉ đạo tốt công tác chuyên môn. Cô khuyến khích động viên anh, chị em giáo viên tham gia giao lưu các cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện. Đồng thời cô cũng hướng dẫn, chỉ đạo và trực tiếp tham gia bồi dưỡng nguồn học giỏi cho trường. Giúp các em có kiến thức tốt, đạt giải thưởng cao qua các kì thi. Cô đã từng bước dìu dắt nhà trường nhiều năm đạt thành tích tiên tiến, xuất sắc. Làm lãnh đạo, nhưng cô có lối sống mẫu mực, rất khiêm nhường, giản dị với nhân viên. Cô luôn coi mỗi nhân viên của mình như anh em ruột thịt, sẵn sàng chia sẻ khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Ai có chuyện buồn cô luôn kịp thời quan tâm, động viên, chia sẻ cũng như giúp đỡ. Với lối sống gần gũi giản dị cô luôn được sự tin yêu, kính trọng của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường. của phụ huynh và đặc biệt là các em học sinh.

Sự cống hiến không biết mệt mỏi, hết lòng vì học sinh, vì nhà trường, vì sự nghiệp giáo dục cô đã đạt được một số thành tích như sau:

Ở trường  Cô luôn là người thầy gương mẫu, khi trở về với đời sống thường nhật Cô là người “vợ hiền - dâu đảm”, cô hết lòng vì chồng con. Ông bà ta có câu: “Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, với hàng xóm, láng giềng cô luôn hòa đồng, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ mọi người bằng sự nhiệt tình. Cô luôn được bà con lối xóm tôn trọng. Gia đình nào có chuyện không vui cô chia sẻ, an ủi. Gia đình nào có chuyện vui cô chúc mừng, nhiệt tình ủng hộ.

Cũng như bao người phụ nữ khác, cô luôn mong gia đình mình luôn hạnh phúc, con cái đề huề, khỏe mạnh, nhưng thật không may mắn vào năm 2008 một biến cố lớn đã xảy ra với gia đình cô: con trai cô không may bị tai nạn giao thông và đã ra đi mãi mãi….. Cú sốc tinh thần quá lớn những tưởng cô không thể vượt qua. Tập thể giáo viên nhà trường, cũng như bà con lối xóm động viên, an ủi. Cô đã vượt qua đau thương, tiếp tục “chèo lái con đò tri thức” của mình.

            Cô giáo Phạm Thị Dậu là tấm gương sáng về đạo đức nhà giáo cho mọi người noi theo. Nhờ công dạy bảo của cô mà có biết bao thế hệ học trò cập bến bờ tri thức. Người làm bác sĩ, người làm kĩ sư người là công an, bộ đội. Lại có những người vì khâm phục cô mà ao ước được trở thành cô giáo giống như cô Dậu. Họ đã trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Các anh chị học trò cũ của cô luôn biết ơn, kính trọng và hàng năm vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 các anh chị vẫn thường về thăm hỏi sức khỏe của cô và ôn lại kỉ niệm xưa.

Vào năm  2011 Cô được nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ. Khi đã nghỉ hưu cô tham gia hội cựu giáo chức xã Bình Xa với mong muốn tiếp tục được cống hiến chơ sự nghiệp giáo dục. Cô đã cùng các thầy cô giáo trong hội cựu giáo chức làm tốt công tác tuyên truyền cho công tác giáo dục của xã nhà. Tuy tuổi đã cao nhưng cô vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do hội cựu giáo chức và địa phương tổ chức.

Tại địa phương cô là một Đảng viên mẫu mực, luôn đi đầu trong các phong trào phát động của Đảng, chính quyền và của địa phương.

Cô là như vậy, trong bất cứ vai trò nào, hoàn cảnh nào cũng luôn là tấm gương mẫu mực về nhân cách của một nhà giáo. Đó chính là điều khiến tôi và các thế hệ nhà giáo của trường tiểu học Bình Xa luôn luôn kính trọng và khâm phục cô. Điều đó luôn nhắc nhở chúng tôi phải luôn yêu nghề, tâm huyết với nghề sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt sự nghiệp trồng người mà Đảng và nhân dân giao phó.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết